Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Lần đầu lên Cao Bằng

Xếp bài này vào mục "Phượt" kể cũng không đúng lắm, cơ mà đây là chuyến lên Cao Bằng đầu tiên trong đời tớ, lại đi một mình nữa nên tớ cũng coi như đó là 1 chuyến du lịch bụi. ^^
Đợt vừa qua,tớ lên Cao Bằng vì cô bạn thân đại học chống lầy. Mừng húm vì có cơ hội đi chơi xa, lại còn được cô dâu chú rể hứa hẹn tổ chức tour đi thăm Pắc Bó nữa. Tớ đi xe oto, 9h đêm xuất phát tại bến xe Mỹ Đình, 12h dừng châm nghỉ tại Bắc Cạn, và đúng 5h sáng có mặt ở bến xe Cao Bằng.
1. Tiện thể khoe ít ảnh cưới cô bạn:

Á khôi lớp mình đóa  :v (hắn mà đọc được chắc sướng rơn)
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Đùa chứ từ trước tới nay, để ý thấy mấy em hót gơ toàn lấy chồng sớm! Vì sao nhỉ? >_<
2.Thăm Pác Bó:
Theo lộ trình đoàn tớ đi, thì Pắc Bó cách 52 km từ trung tâm thành phố đi theo đường cao tốc mới (quên tên rồi. hic :( ). Khi tới nơi có 3 khu để tham quan: Đài tưởng niệm Bác, Nhà tưởng niệm trưng bày các kỉ vật của Bác và người dân Pắc Bó và rừng Pắc Bó. Bọn tớ đi vào rừng trước, 2 địa điểm kia khi ra về chỉ ghé lướt nhanh thôi. Vé vào 10k/người, tuy nhiên nhờ cô dâu dẻo miệng + 2 con bạn khá lanh chanh trốn vé phi vào trước(dù đã được mọi người hết sức can ngăn) mà đoàn 14 người chỉ phải mua 12 vé :)))) 2 con kia thì suýt tí nữa bị bảo vệ phi xe đuổi theo ghô cổ. Nhớ đời!  T_____T đừng đùa với cán bộ.
- Suối Lê-nin: chảy dọc suốt đường đi. Suối trong, xanh ngắt, nhìn sâu tận đấy và dưới ánh nắng chói chang của buổi trưa thì sáng lấp lánh tuyệt đẹp. Dòng chảy khá mạnh nên những chỗ có nghềnh, phiến đá  nước còn đổ xuống tung bọt trắng xóa, tiếng kêu vang vọng cả núi rừng.
Tớ đã từng phượt qua rất nhiều con suối, những tưởng chuyến đi Hà Giang vừa qua đã được ngắm con suối đẹp nhất, ấy thế mà suối Lenin còn đẹp gấp nhiều lần. Tớ bị nghiện núi rừng, nghiện suối nên mừng như vớ được vàng ý. hihi. 



 Cá thì nhiều vô kể, có khi phải tới hàng trăm nghìn con. Thấy mọi người nói là cá này vừa tự nhiên, vừa thả nuôi. Chỉ cần ném xuống 1 mẩu bánh mỳ nhỏ hay 1 miếng bim bim, chúng sẽ lao theo, bu tròn xung quanh tranh mồi trông rất vui mắt. Tớ chưa thấy ở đâu có nhiều cá như thế.




 - Núi Các-Mác: chính là ngọn núi nằm ngay phía trên suối Lê-nin

- Những nơi ghi dấu chân của Bác:
+ Hang Cốc Bó: nơi Bác ở và làm viêc: không rộng lắm và khá nông.Bên trong chỉ đơn giản có 1 chiếc phản kê cao làm giường và bếp tự chế cùng 1 chiếc ấm. Không khí bên trong ẩm và mát lịm. Đang đi trời nắng, được chui vào hang phê như con tê tê :3

+ Nền nhà ông Lỷ Quốc Súng - nơi Bác ở tạm trong những ngày đầu tiên từ Trung Quốc trở về nước: Nằm ở ngã rẽ ngay gần hang Cốc Bó. Vì hiện tại chỉ còn dấu tích nền đất nên tớ chỉ chụp lại đường đi, không đến thăm tận nơi


+ Bờ suối nơi Bác thường ngồi câu cá:

+ Vườn cây ăn quả Bác Hồ:

+ Vườn trúc Bác trồng:

+ Địa điểm cây ổi nơi Bác hái lá nấu nước uống thay chè:

+ Bàn đá bên bờ suối nơi Bác ngồi làm việc:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!. 

- Nghỉ chân ăn trưa bên bờ suối:
Sau khi thăm thú hết nơi in dấu chân Bác, tớ theo cả nhóm vượt ghềnh đá qua bờ bên kia, tìm 1 địa điểm đẹp dưới lùm cây xanh để nghỉ chân ăn uống.
+ Không gian khoáng đạt vô cùng, tranh thủ tự sướng giữa suối nào:

 + Nước suối trong và xanh ngắt như thế lày lày:


+ Nước suối lạnh như được ướp trong tủ đá vậy. Thậm chí chúng tớ còn thả nước uống, thạch chuẩn bị sẵn mang theo ngâm dưới suối trước khi ăn cơ mà. Tớ thì tranh thủ thả chân tay xuống. So coolllllll.......Một cảm giác thật Yo Most!!!!!! Tớ sẵn sàng rửa mặt mũi và uống luôn vài ngụm cho đã khát.

Gỉa bộ thiếu nữ suy tư bên bờ suối:

- Đoàn nam thanh nữ tú đi hôm đó đây:

3. Nhà tưởng niệm Bác: khi quay ra cổng vào, tớ tranh thủ chạy vào chụp vài kiểu ảnh những kỉ vật của Bác và dân Pác Bó:




4. Mộ Kim Đồng (Nông Văn Dền): Trên đường về, tớ nhìn thấy mộ Kim Đồng. Thế là lại ghé vào thăm.
 Đây là ngôi mộ ban đầu chôn cất anh Kim Đồng, tuy nhiên sau đó họ đã dời mộ vào sâu thêm 1 đoạn về phía bên trái của mộ cũ. Phần nền mộ cũ được dựng bia làm đài tưởng niệm như trên.
Bên tay phải tượng đài Kim Đồng là mộ của mẹ. Cách hơi xa nên tầm nhìn của máy ảnh bị khuất, tớ chỉ chụp được hình bé:

3. Đặc sản Cao Bằng & món ăn tớ đã được thưởng thức:
Thành phố Cao Bằng quả thật rất nhỏ bé, chỉ đi chút xíu là đã hết và thậm chí nhà lũ bạn tớ còn cảm giác như quây thành 1 vòng tròn xung quanh trung tâm, mỗi nhà chỉ cách nhau có 1-2km :)))))))
Nhỏ bé là vậy  nhưng món ăn nói chung và đặc sản của vùng đất xa xôi này nói riêng lại rất phong phú và ngon một cách đặc biệt. Mang tiếng lên dự đám cưới mà tớ được lũ bạn dẫn đi khắp mọi nơi, thưởng thức các món ăn thú vị của nơi đây. Sao lại VIP thế nhỉ? Hí hí..
Nhắc đến đặc sản Cao Bằng là nhắc tới những món ăn sau: lạp sườn, thịt trâu gác bếp, cao chằng, bánh cuốn, rau dạ hiến, áp chao, hạt dẻ..v...v Tuy nhiên có vài món tớ lên không đúng mùa nên chưa được thưởng thứ.
Dưới đây là những món ăn tớ đã được thưởng thức, cả món ăn bình dân và đặc sản:
- Phở vịt: vẫn là sợi phở như ở dưới xuôi, nước dùng quen thuộc, nhưng thay vì cho thịt bò, thịt gà... như bát phở tớ vẫn hay ăn thì ở đây họ cho thịt vịt quay 7 vị vàng ruộm vào.Miếng thịt rất mềm và thơm, ăn kèm rau sống và măng muối cay Cao Bằng thì hết sẩy. Tớ vừa ăn vừa lè lưỡi vì cay >_< Chỉ 20-25k/bát rất đầy đặn. Thực sự bất ngờ vì rẻ hơn tớ nghĩ nhiều.
- Cafe chém gió bờ sông: ăn phở vịt xong là phải uống cafe bờ sông thư giãn. Tớ được dẫn đến quán cóc với biển đề "Cafe vỉa hè Sài Gòn" (chắc mấy chị em chủ quán là người Nam chăng?). Buồn cười nhất là khi lũ bạn tớ gọi món "Cho em 1 nâu gầy", "Cho em 1 nâu béo", tớ mắt tròn mắt dẹt vì lần đầu nghe thấy. Ra là cafe nâu ít sữa và nhiều sữa :))))  thật là Hai Lúa quá đi. Cơ mà cuối cùng thì tớ lại gọi 1 cốc cacao.
- Phở chua:
Món đặc sản đầu tiên đây. Phở chua này được làm từ rất nhiều nguyên liệu, tớ thấy công thức giống như món gỏi, nộm như ở dưới xuôi vậy (mà thực tế là trong mâm cơm Cao Bằng cũng ko thấy có đĩa nộm hay dưa góp mà chỉ có bát phở chua).
Nguyên liệu bao gồm sợi phở, thịt vịt quay hoặc thịt gà, lợn, xắt nhỏ, trộn cùng dưa chuột cũng bào mỏng nốt, rau húng bạc hà. Nước sốt thì phi thơm hành tỏi ớt, sau đó cho hỗn hợp đường và nước mắm vào chưng cho sánh lại, để thật nguội. Khi nào ăn thì rưới vào các nguyên liệu trộn đều và rắc thêm lạc hoặc sợi phở khô rán giòn, bẻ nhỏ.
Món này ăn rất mát và thanh, trong cái thời tiết nắng nóng oi bức mà được ăn món này thật tuyệt, rất dễ ăn. Vì có sợi phở nên món này là món ăn chính để no trong bữa cơm chứ không phải ăn chơi như các món gỏi, nộm tớ thường thấy. Bữa cỗ nào trong đám cưới tớ cũng thấy có món này, và lần nào ăn tớ cũng ăn gần hết bát tô to. Hình như lũ bạn thấy tớ thích nên ko ăn mà  nhường cả cho tớ hay sao ý ^^ Hihi...
Đã học lỏm được công thức từ bà nội của con bạn thân, đang ấp ủ hôm nào bắt tay vào thực hiện, thỏa niềm đam mê bếp núc. 
Search trên mạng tớ thấy món phở chua này có rất nhiều công thức khác nhau, chủ yếu là sự thêm thắt ở khâu nguyên liệu cho vào. Đây chỉ là công thức mà tớ đã được ăn thôi.
- Bánh cuốn: 


Món này thì super ngon nhé. Bánh cuốn trên Cao Bằng có cách làm và ăn khá khác biệt so với dưới xuôi:
+ Nước chấm không phải làm từ nước mắm mà làm từ nước ninh xương, rất ngọt, khi ăn thì cho thêm thịt nạc băn nhỏ đã phi thơm và rau mùi thái nhỏ.
+ Bánh cuốn làm trực tiếp bằng tay, trải đều lớp bột lên mặt nồi làm bánh. Khi 1 mặt chín, người bán hàng rắc thêm thịt nạc băm hoặc nếu ai có yêu cầu thì họ sẽ đập một quả trứng gà lên, để 1 phút, sau đó gói 2 bên mép bánh cuốn cuộn tròn lại. Cắn một miếng bánh cuốn là thưởng thức luôn cả bánh lẫn trứng gà lòng đào bên trong, ngọt và béo ngậy.
+ Đồ ăn kèm: ăn kèm bánh cuốn là những thanh giò nhỏ bằng 2 đốt ngón tay, dài chứng 10cm gói trong lá chuối. Trước khi ăn, người bán hàng sẽ bóc lá bánh, trần qua nước sôi cho mềm, sau dó thả vào bát nước chấm. Theo như tớ cảm nhận thì miếng giò này rất ngon, thơm mùi nấm, ngọt vị thịt và không hề cảm thấy ngấy như miếng giò to mình vẫn ăn dưới này.
 Tớ được lũ bạn dẫn đi ăn 2 bữa sáng đều món này trong đó có 1 lần ăn tại nhà bà nội con bạn (cảm nhận là bánh cuốn mềm hơn, ngon hơn) nhưng lần nào tớ cũng uống sạch 2,3 bát nước chấm trước khi bánh cuốn ra lò. Vì khách đến thì người bán hàng mới làm bánh, nước chấm, giò được bày ra trước mà tớ thì...không thể đừng được trước sự hấp dẫn của nó. Ăn liền tù tì 2 đĩa bánh cuốn, tuy no và vẫn còn thòm thèm. :)))))) Một món ăn bình dân mà tớ muốn ăn mãi.
- Lạp sườn: 


Món này thì đã quá quen thuộc rồi, như kiểu làm nên thương hiệu đặc sản Cao Bằng, nhắc đến Cao Bằng là người ta, đặc biệt dân nhậu sẽ nhớ tới món lạp sườn này.
Tớ được lũ bạn giải thích là công thức khá phức tạp, nhưng sau khi nhồi lạp sườn xong, người ta sẽ treo lên thành từng dây trong bếp, sau đó lấy bã cây mía hun phía dưới để lạp sườn khô và đượm mùi khói thơm. Bình thường lạp sườn sẽ được bỏ ngăn đá để bảo quản (nếu muốn giữ lâu) hoặc ngăn mát (nếu ăn ngay). Khi chế biến, đầu tiên người ta sẽ trần qua nước sôi cho rã đông và nở hơn (vì giữ lạnh mà), sau đó rán sơ qua với ít dầu để lạp sườn vàng đều, nổ giòn vỏ ngoài. Xắt nhỏ và chấm kèm với tương ớt, nếu có thêm lon bia hay cốc rượu thì....tuyệt cú mèo!! Món này với dân nhậu như tớ thì cứ gọi là hết sẩy! Ăn dai dai, thịt khô ngọt và bùi, đậm đà gia vị và cay xè vị tương ớt, rất tốn bia.Từ hôm mang ẻm về, sau cánh cửa nhà tớ đã phải xếp mấy vỏ chai bia HN cơ đấy! :)))
Món này được tớ ăn và đem về giới thiệu cho người nhà, cùng mấy chị em trong công ty. Kết quả ai nếm thử cũng kết và đòi tớ đặt hộ đem về. Tính đến lúc biết tới món này tới nay, tớ đã đặt 7-8kg xuống làm quà biếu và mua hộ cho người nhà, bạn bè, người quen. Sắp tới tớ lại đặt 1 lượt nữa. Riêng tớ cũng đã thủ sẵn một ít ăn dần trong tủ lạnh (do mẹ con bạn tớ tặng. hihi...vui quá cơ!)
- Mận Tam Hoa: 
Món này thì đã quá quen thuộc với tất cả mọi người rồi. Trên đó người ta trồng thành từng vườn, trẩy rồi đem bán nên giá khá rẻ. Và điều tớ thấy ưu điểm hơn so với mận Tam Hoa mua dưới xuôi là nó...tươi hơn mà thôi. :D
- Hạt dẻ Trùng Khánh: 
Hạt to, vỏ ngoài có ít lông măng, nhân bên trong vàng ươm, đặc, luộc lên nó nứt ra như hình, ăn ngọt và bùi. Món này không chỉ tớ mà cả cậu em trai cũng thích mê tơi, tranh nhau từng hạt một. Ăn hạt dẻ cũng rất tốt cho sức khỏe đấy nhé vì chứa hàm lương đạm, vitamin cao.
 - Nem thính: Vẫn là món nem thính làm bằng bì lợn xắt sợi nhỏ, ăn kèm lá sung, lá đinh lăng, nhưng ở đây lại có cách chế biến đặc biệt hơn xíu. Tức là nắm nem sau khi làm xong, họ còn đem nướng rồi mới cuộn rau thơm ăn kèm, chấm mắm chua ngọt. Tớ thấy ăn như thế vì nướng rồi nên vị nó hơi khô. Ko thích món này lắm >_<
- Sữa chua nếp cẩm: Món này ở Cao Bằng được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu handmade: nếp cẩm lên men chua handmade, trộn cùng sữa chua handmade và thạch handmade nốt. :v Không biết có phải vì thế không mà vị nó chua hơn sữa chua nếp cẩm tớ vẫn hay ăn dưới này, tuy nhiên tớ lại thích vì handmade nên cảm giác nó ngậy mà không bị ngọt quá. Tớ ăn liền tù tì 2 cốc to mới yên tâm đứng dậy ra về. 

Chuyến lên Cao Bằng vừa qua thực sự là một chuyến phiêu lưu đáng nhớ trong cuộc đời của tớ. Không chỉ chúc phúc cho cô bạn thân mà tớ còn được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị, có quá nhiều kỉ niệm với vùng đất này. Cảm ơn những người bạn nhiệt tình và superkute đã dẫn tớ đi chơi, đi ăn, đi xõa xả láng như thế: Anh Trọng và bạn của anh, Tú, Dung, Hà, Đạt (đã chở tớ đi Pác Bó và làm phó nháy không ngừng nghỉ :v) Cả bố mẹ & ông bà 2 bạn Dung, Tú nữa đã đón tiếp tớ thân mật như người nhà. Sự nhiệt tình của nhân dân Cao Bằng tớ sẽ khắc cốt ghi tâm ko bao giờ quên. hehe...
Vì quá thích mảnh đất này nên nhất định tớ sẽ đi phượt Thác Bản Giốc: 

Cao Bằng ơi, hẹn ngày ta trở lại !!!!!!!! ^____________^

Không có nhận xét nào: